Năm điều thiết yếu
Đây là những điều tất yếu mà con người cần phải có cho cuộc sống, bất kể hệ thống giáo lý nào cũng đều ra lệnh phải bảo đảm chúng và ngăn cấm xâm hại đến chúng.
Quả thật, Islam đến để duy trì, đảm bảo những điều tất yếu đó và quan tâm đến chúng để người Muslim sống trên thế gian này một cách an toàn và bình yên, để y có thể an tâm lao động cho cuộc sống trần gian và ở cõi Đời Sau của y.
Và để xã hội người Muslim thành một cộng đồng duy nhất gắn kết với nhau như một khối kiến trúc gắn chặt vào nhau, giống như một cơ thể khi có một bộ phần nào đó bị tổn thương thì tất cả những bộ phận còn lại của cơ thể đều bị ảnh hưởng, và việc bảo đảm các điều tất yếu đó qua hai điều:
Thiết lập và nuôi dưỡng.
Duy trì cho nó khỏi sự mất mát và tổn hại.
- Tôn giáo
Đây là điều trọng đại vì nó mà Allah đã tạo hóa con người, vì nó mà Ngài đã cử phái các vị Thiên Sứ để truyền bá và duy trì, như Ngài phán:
{Và quả thật, TA đã cử phái đến với mỗi cộng đồng một vị sứ giả với mệnh lệnh rằng hãy thờ phượng Allah và tránh xa tà thần} (Chương 16 – Annahl, câu 36). Và quả thật, Islam quan tâm việc duy trì và gìn giữ tôn giáo khỏi những tôn thờ đa thần, mê tín dị đoan hoặc những điều trái đạo và cấm kỵ.
- Tính mạng
Quả thật, Allah ra lệnh phải bảo vệ tính mạng con người ngay cả khi nó phạm điều nghiêm cấm, bởi lẽ khi nó trong tình trạng bất đường cùng và nguy cấp thì nó được thông cảm và xí xóa, như Allah đã phán:
{Nhưng ai vì nhu cầu bắt buộc mà phải dùng đến những món cấm đó ngoài ý muốn và không quá độ thì sẽ không bị tội. Bởi quả thật, Allah là Đấng Hằng Tha Thứ và Rất mực Khoan Dung.} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 173).
Ngài cấm giết hại bản thân mình, Ngài phán: {Và chớ để cho bàn tay của các ngươi xô đẩy các ngươi vào chỗ tự hủy.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 195). Và Ngài qui định các giới hạn cũng như những hình phạt để ngăn việc hận thù và gây oán trong nhân loại một cách không chính đáng. Ngài phán: {Hỡi những người có đức tin, TA đã ban hành luật Qisas (tử hình) cho việc giết người.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 178).
- Trí tuệ
Islam nghiêm cấm mọi hình thức làm tổn hại và ảnh hưởng đến trí tuệ cũng như sự nhận thức bởi lẽ trí tuệ là ân huệ lớn lao nhất mà Allah đã ban cho chúng ta, trong đó, trí tuệ làm nên giá trị và phẩm giá của con người, và với nó con người ý thức được trách nhiệm và sự thanh toán ở đời này và ở cõi Đời Sau.
Chính vì lẽ này, Allah nghiêm cấm rượu, các loại chất kích thích và Ngài xem những thứ này là điều khả ố thuộc các việc làm của Shaytan. Ngài phán: {Này hỡi những người có đức tin! Quả thật, uống rượu, cờ bạc, thờ cúng trên bàn thờ và dùng tên bắn để làm quẻ xin xăm đều là những điều khả ố thuộc những việc làm của Shaytan. Các ngươi hãy từ bỏ và tránh xa chúng mong rằng các ngươi có thể thành đạt.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 90).
- Sinh sản
Islam biểu hiện sự quan tâm cao vấn đề duy trì việc sinh sản và sự hình thành, xây dựng gia đình, nơi để giáo dục và nuôi dưỡng các thế hệ trẻ với những điều cao cả, qua các giáo lý tiêu biểu sau:
- Islam khuyến khích kết hôn lập gia đình, qui định đơn giản và không gây khó khăn cũng như không gây gánh nặng trong vấn đề này, Ngài phán: {Và hãy kết hôn những người độc thân trong các ngươi} (Chương 24 – Annur, câu 32).
- Islam nghiêm cấm mọi hình thức quan hệ tội lỗi và ngăn cấm mọi con đường dẫn tới các mối quan hệ đó, Ngài phán: {Và các ngươi không được đến gần Zina (quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân), bởi quả thật nó là một con đường dâm loạn đồi bại.} (Chương 17 – Al-Isra, câu 32).
- Islam cấm xúc phạm đến phả hệ và danh dự của người khác, và nó được liệt vào các đại trọng tội và người có hành vi đó bị cảnh báo sự trừng phạt bằng hình phạt theo luật trên thế gian và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn ở Đời Sau.
- Islam ra lệnh phải bảo vệ danh dự của người đàn ông và phụ nữ, người nào bị giết do đứng lên đấu tranh để bảo vệ danh dự của y, danh dự của vợ và con cái của y thì y được coi là đã hy sinh vì con đường chính nghĩa của Allah (xem trang 198).
- Tài sản:
Islam bắt buộc phải bảo vệ và giữ gìn tài sản và cho phép giao dịch, trao đổi và kinh doanh.
Islam nghiêm cấm việc cho vay lấy lãi, cấm trộm cướp, lừa đảo, cấm ăn tài sản của người khác một cách bất công và không chân chính, Qur’an đã cảnh báo trừng phạt những ai có hành vi như thế bằng những hình phạt thật đau đớn (xem: trang 168).