Đức tin nơi Ngày Sau

Ý nghĩa của đức tin nơi Ngày Sau:

Niềm tin kiên định rằng Allah sẽ phục sinh nhân loại từ cõi mộ, rồi Ngài sẽ phân xử và thưởng phạt cho mọi hành động và việc làm của họ, cho tới khi những người của Thiên Đàng đi vào chỗ ở của họ và những người của Hỏa Ngục đi vào nơi ở của họ.

Đức tin nơi Ngày Sau là một trong các trụ cột của đức tin Iman, bởi thế, đức tin Iman sẽ không có giá trị nếu không có nó, Allah, Đấng Tối Cao phán:{Mà sự ngoan đạo là việc ai tin tưởng nơi Allah và nơi Ngày Sau} (Chương 2 – Albaqarah, câu 177).

Tại sao Qur’an lại xác nhận đức tin nơi Ngày Sau?

Qur’an xác nhận đức tin nơi Ngày Sau, lưu ý về điều này vào mỗi lúc thích hợp, và Nó khẳng định Ngày Sau chắc chắn xảy ra với nhiều phong cách khác nhau của ngôn từ Ả rập, và đức tin nơi Ngày Sau và đức tin nơi Allah thường được liên kết cùng nhau trong nhiều câu Kinh.Và điều đó là bởi vì đức tin Iman nơi Ngày Sau là kết quả chắc chắn của đức tin nơi Allah và sự công bằng của Ngài, làm rõ điều đó:

Quả thật, Allah không bất công và Ngài không bỏ mặc những người bất công một cách không thanh toán và trừng phạt cũng như Ngài không bỏ mặc những ai bị đối xử bất công một cách vô lý, Ngài cũng không bỏ mặc những người làm tốt một cách vô thưởng, mà Ngài sẽ ban thưởng cho tất cả những ai đáng được ban thưởng. Chúng ta thấy trên cõi thế gian này, có những người sống chết một cách bất công và tội lỗi nhưng không bị trừng phạt, và cũng có những người bị đối xử bất công thì cũng không thể đòi lại công lý cho bản thân, ý nghĩa đó là sao ? Ý nghĩa đó chính là phải có một cuộc sống khác với cuộc sống mà chúng ta đang hiện sống, và nơi đó Ngài sẽ trả lại công bằng cho tất cả mọi người, Ngài sẽ ban thưởng xứng đáng cho người làm tốt và trừng trị nghiêm khắc đối với kẻ làm chuyện xấu và tội lỗi; chắc chắn Allah không chấp nhận sự bất công!

 

Islam dẫn chúng ta tránh xa khỏi Hỏa Ngục bằng việc cư xử tốt với người khác, dù điều tốt đó chỉ là việc bố thí nửa quả chà là khô.

Đức tin Iman nơi Ngày Sau mang những ý nghĩa gì?

Đức tin Iman của người Muslim nơi Ngày Sau mang nhiều ý nghĩa, tiêu biểu:

  1. Tin vào sự phục sinh và triệu tập: đó là sự làm cho các thi thể đã chết sống lại và trở dậy từ cõi mộ, các linh hồn được hoàn trả lại vào các thể xác, tất cả nhân loại sẽ phải đứng trình diện trước Thượng Đế của vũ trụ và muôn loài, tất cả được triệu tập tại một nơi duy nhất trong bộ dạng trần truồng giống như sự tạo hóa lần đầu.

Đức tin vào sự phục sinh là một trong những điều được chứng minh bởi Qur’an, Sunnah, trí tuệ và bản chất tự nhiên lành mạnh. Bởi thế, chúng ta tin một cách kiên định rằng Allah sẽ phục sinh chúng ta từ cõi mộ, trả linh hồn về lại với thể xác và tất cả nhân loại sẽ trình diện trước Thượng Đế của vũ trụ và muôn loài.

Allah, Đấng Tối Cao phán:{Rồi sau đó, chắc chắn các ngươi sẽ chết. Rồi vào Ngày Phục sinh các ngươi sẽ được cho sống lại} (Chương 23 - AlMu’minu-n, câu 15, 16).

Và quả thật, tất cả các Thiên Kinh đều thống nhất với nhau về điều này, và đấy chính là ý nghĩa rằng Ngài sẽ bắt các tạo vật của Ngài phải quay trở về với Ngài để Ngài thưởng phạt công minh về những hành vi và việc làm của họ. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Phải chăng các ngươi nghĩ rằng TA đã tạo hóa các ngươi chỉ để vui chơi phù phiếm và các ngươi sẽ không trở lại gặp TA ư?} (Chương 23 – AlMu’minun, câu 115).

Một số bằng chứng khẳng định sự phục sinh từ Qur’an:

  • Quả thật, chính Allah, Đấng Tối Cao đã khởi tạo hóa con người và nếu Ngài đã tạo được con người lần đầu thì việc Ngài tái tạo lại chẳng khó khăn gì. Ngài phán: {Và Ngài là Đấng khởi sự việc tạo hóa rồi tái lập nó và điều đó rất dễ dàng đối với Ngài.} (Chương 30 – Arrum, câu 27).

Và Ngài phán bảo phải đáp lại những ai phủ nhận việc Ngài phục hồi lại những khúc xương sau khi nó đã rã mục: {Hãy bảo chúng (hỡi Muhammad!): “Đấng đã tạo hóa chúng lúc ban đầu sẽ phục sinh chúng trở lại, và Ngài am tường tất cả mọi sự tạo hóa.” } (Chương 36 – Yasin, câu 79)

  • Mảnh đất khô cằn và chết cứng, không một bóng cây cỏ, thế rồi Ngài ban mưa xuống làm cho nó tươi xanh trở lại, các sinh vật sinh sôi nảy nở. Và Đấng toàn năng trong việc làm cho mảnh đất sống lại sau khi nó đã chết khô thì dĩ nhiên Ngài toàn khả năng làm các thi thể chết sống lại. Allah, Đấng Tối Cao phán:{Và TA (Allah) đã ban nước mưa đầy ân phúc từ trên trời xuống để TA dùng làm mọc ra vườn tược và trái hạt vào mùa gặt. Và cây chà là cao lớn đâm ra trái từng chùm lủng lẳng, chồng lên nhau; làm lương thực cho bầy tôi (của Allah). Và TA dùng nó để làm sống lại một mảnh đất đã chết khô. Và việc phục sinh sẽ giống như thế.} (Chương 50 – Qaf, câu 9 -11).
  • Tất cả mọi trí tuệ đều biết rằng ai có khả năng trên những điều vĩ đại và to lớn thì đối với những điều nhỏ hơn, tầm thường hơn y càng thừa sức và thừa khả năng hơn. Allah, Đấng Tối Cao quả thật đã tạo ra vũ trụ với các tầng trời và trái đất bao la và vĩ đại, sự bao la và vĩ đại của vũ trụ khiến loài người phải kinh ngạc, và nếu Ngài toàn năng trên những điều vĩ đại như thế thì việc làm sống lại các khúc xương đã rã mục thì chẳng đáng là gì đối với Ngài cả, Ngài phán:{Há Đấng đã tạo hóa các tầng trời và trái đất không có khả năng tạo hóa được những cái giống như họ hay sao? Chắc chắn, Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng Toàn Tri} (Chương 36 – Ysin, câu 81).
  1. Đức tin Iman nơi sự thanh toán và chiếc cân công lý: Allah sẽ thanh toán các tạo vật của Ngài về các việc làm và hành vi mà họ đã làm trên thế gian, người nào là cư dân của Tawhid, tuân lệnh Allah và Thiên Sứ của Ngài thì sự thanh toán sẽ đơn giản, còn người nào thuộc cư dân thờ đa thần và tội lỗi thì sự thanh toán sẽ rất khó khăn.

Và các việc làm, các hành vi sẽ được cân trên chiếc cân vĩ đại, các việc làm thiện tốt sẽ được đặt trên một bên của chiếc cân và các việc làm xấu, tội lỗi được đặt trên bên kia của chiếc cân, người nào có việc làm thiện tốt nặng hơn các việc làm xấu thì y sẽ là người của Thiên Đàng, còn người nào mà việc làm xấu, tội lỗi của y nặng hơn việc làm thiện tốt của y thì sẽ là cư dân nơi Hỏa Ngục, và Thượng Đế của ngươi không bất công với bất cứ một ai.

Allah, Đấng Tối Cao phán:{Và TA đã đặt những chiếc cân công minh cho Ngày Phán xét, bởi thế, không một linh hồn nào bị bất công bất cứ một điều gì, và cho dù điều gì đó có nhỏ bằng hạt bụi đi chăng nữa cũng sẽ được TA mang ra phán xét. Và một mình TA thanh toán là quá đủ!} (Chương 21 – Al-Ambiya, câu 47).

  1. Thiên Đàng và Hỏa Ngục: Thiên Đàng là nơi của sự hạnh phúc bất tận trường tồn, Allah chuẩn bị nơi đó làm phần thưởng cho những người có đức tin ngoan đạo, những người chỉ tuân lệnh Allah và Thiên Sứ của Ngài. Ở nơi Thiên Đàng, có tất cả mọi lạc thú và niềm vui để con người tận hưởng khoái lạc.

Allah, Đấng Tối Cao kêu gọi các bầy tôi của Ngài hãy nhanh chân trong việc tuân lệnh Ngài và hãy nhanh chân đi vào Thiên Đàng của Ngài, nơi mà khoảng rộng của nó bằng trời đất, Ngài phán: {Và các ngươi hãy nhanh chân đến với sự Tha thứ nơi Thượng Đế của các ngươi và hãy nhanh chân đến Thiên Đàng nơi mà khoảng rộng của nó bao la bằng trời đất, được chuẩn bị cho những người ngoan đạo.} (Chương 3 – Ali-Imran, câu 133).

Và Hỏa Ngục là nơi của sự trừng phạt đầy khổ ải đời đời kiếp kiếp, Allah đã chuẩn bị nơi đó để trừng trị những kẻ vô đức tin, những kẻ đã phủ nhận Allah và bất tuân Thiên Sứ của Ngài. Và trong Hỏa Ngục có nhiều loại cực hình, nhiều dạng đày đọa vô cùng đau đớn và khắc nghiệt chưa từng có trên thế gian.

Allah, Đấng Tối Cao đã cảnh báo các bầy tôi của Ngài về Hỏa Ngục, nơi mà Ngài chuẩn bị dành cho những kẻ vô đức tin, Ngài phán: {Các ngươi hãy sợ Hỏa Ngục, nơi mà chất đốt của nó là con người và đá (bụt tượng), nơi mà TA (Allah) đã chuẩn bị dành cho những người vô đức tin.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 24).

Lạy Allah, quả thật, bầy tôi cầu xin Ngài Thiên Đàng và những gì làm cho bầy tôi đến gần với nó từ lời nói và hành động; và bầy tôi xin Ngài cứu rỗi bầy tôi khỏi Hỏa Ngục cũng như những gì khiến bầy tôi đến gần với nó từ lời nói và hành động.

  1. Sự trừng phạt và sự yên nghỉ nơi cõi mộ: Chúng ta tin rằng cái chết là sự thật. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Hãy bảo (Muhammad!): “Thần chết, vị phụ trách các người, sẽ bắt hồn của các người rồi các người sẽ được đưa về gặp Thượng Đế của các người trở lại.”} (Chương 32 – Al-Sajdah, câu 11).

Và cái chết là điều được nhìn thấy không có một sự nghi ngờ nào cả, và chúng ta tin rằng mọi người, những ai chết hoặc bị giết bởi bất cứ nguyên nhân gì đều là đến với cái chết, và cái chết được qui định bởi thời hạn của nó, không ai có quyền năng điều chỉnh nó sớm hơn hay trì hoãn nó trễ hơn dù chỉ là một khoảnh khắc. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và mỗi một cộng đồng đều có một thời hạn ấn định; bởi thế, khi thời hạn đã hết, họ sẽ không thể trì hoãn một khoảnh khắc nào và cũng không thể ra đi sớm hơn.} (Chương 7 – Al’Araf, câu 34).

  • Và ai chết đi tức là y đã chuyển đến cõi Đời Sau.
  • Và quả thật, có rất nhiều Hadith xác thực từ Thiên Sứ của Allah r khẳng định về sự trừng phạt ở cõi mộ đối với những người vô đức tin và những người làm điều tội lỗi cũng như khẳng định về sự yên nghỉ thanh thản đối với những người có đức tin ngoan đạo. Chúng ta tin vào điều này nhưng không tra cứu dò hỏi cụ thể sự việc thế nào, bởi lẽ trí tuệ của con người không có khả năng nhận thức bản chất thực sự của nó như thế nào vì nó thuộc thế giới vô hình giống như Thiên Đàng và Hỏa Ngục chứ không phải là những điều của thế giới hữu hình, hơn nữa, trí tuệ của con người chỉ có khả năng cảm nhận và ý thức được sự vật dựa trên sự so sánh, đo lường, suy luận từ những qui luật, những hiện tượng tồn tại trong thế giới hữu hình (thế giới mà trong đó mọi sự vật được cảm nhận bằng các giác quan: thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm, ..).
  • Tương tự, các hoàn cảnh và tình trạng của cõi mộ là những điều vô hình không thể được cảm nhận bằng các giác quan, và nếu như nó được cảm nhận bằng các giác quan thì lúc bấy giờ đức tin vào cõi vô hình là điều vô nghĩa, giá trị của việc gánh chịu trách nhiệm sẽ mất đi và chắc chắn con người sẽ hoảng sợ không dám chôn cất nhau nữa, như Thiên Sứ của Allah r có nói: “Nếu không sợ các người hoảng sợ để rồi các người không đám chôn cất cho nhau nữa thì chắc chắn Ta đã cầu xin Allah để các người nghe thấy sự trừng phạt nơi cõi mộ” (Muslim: 2868, Annasa-i: 2058).

Trái quả của đức tin nơi Ngày Sau:

  1. Đức tin nơi Ngày Sau có tác động rất lớn đến việc hướng con người đến những điều, những việc làm thiện tốt và lòng kính sợ Allah, tránh xa lòng ích kỷ hẹp hỏi và thích phô trương không thành tâm. Chính vì lẽ này nên Allah thường liên kết đức tin nơi Ngày Sau với việc làm thiện tốt và ngoan đạo trong khá nhiều câu Kinh, chẳng hạn như lời phán của Ngài: {Chỉ ai tin nơi Allah và Ngày Phán xử cuối cùng và năng dâng lễ nguyện Salah và đóng Zakah} (Chương 9 – Attawbah, câu 18). {Và những ai tin nơi Ngày Sau sẽ tin Nó (Qur’an) và gìn giữ lễ nguyện Salah của họ.} (Chương 6 – Al-An’am, câu 92).

  2. Lưu ý và cảnh tỉnh những người xao lãng, chỉ biết bận rộn, vui chơi với cuộc sống trần gian mà quên đi sự tuân lệnh Allah, quên đi thời gian quí báu trong việc tích lũy phúc đức cho cuộc sống thực sự ở Đời Sau trong khi cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ và ngắn ngủi còn cuộc sống Đời Sau mới là cõi trường tồn vĩnh hằng. Và khi Allah đã ca ngợi các vị Thiên Sứ trong Qur’an cũng như đề cập đến các việc làm đáng được tuyên dương và khen ngợi của họ bởi sự nỗ lực và hết lòng của họ thì Ngài phán: {Quả thật, TA đã làm cho họ luôn hết lòng nhớ đến Ngôi nhà (ở Ngày sau).} (Chương 38 – Sad, câu 46).Có nghĩa là nguyên nhân khiến họ đã nỗ lực và hết lòng tuân lệnh và làm việc thiện tốt nên Allah đã làm cho con tim của họ luôn nhớ đến cuộc sống Đời Sau. Và khi một số người Muslim cảm thấy nặng nề trong việc phục tùng mệnh lệnh của Allah và Thiên Sứ của Ngài thì Ngài đã phán lưu ý họ:{Phải chăng các ngươi hài lòng với đời sống trần tục này hơn cuộc sống Đời Sau ư? Quả thật, sự hưởng lạc ở đời sống trần gian này chỉ là ít ỏi so với cuộc sống Đời Sau.} (Chương 9 – Attawbah, câu 38). Khi con người tin nơi Ngày Sau thì y sẽ kiên định trong tim rằng tất cả mọi thứ tốt đẹp và mọi sự hưởng thụ trong cõi trần gian không thể so bì được với những thứ tốt đẹp và phúc lành ở Đời Sau; tương tự, mọi hình phạt trên cõi trần không thể so bì được với các hình phạt ở cõi Đời Sau.

  3. Con người vẫn luôn cảm thấy thanh thản và an lòng khi bị mất mát phần phúc nào đó, khi nào y mất đi một thứ gì đó trong cuộc sống trần gian thì y không vì quá đau buồn mà tuyệt vọng rồi tự giết bản thân mình, ngược lại, y càng trở nên nỗ lực và phấn đấu bởi vì y tin một cách kiên định rằng Allah sẽ không làm mất đi ân phước từ các việc làm thiện tốt. Và khi y nhận thức được rằng cho dù y bị đối xử bất công hoặc bị lừa gạt một điều gì đó nhỏ như hạt bụi thì Ngày Phán Xét y vẫn được trả lại một cách công bằng thì làm sao y lại lo lắng, lại buồn đau với những gì đã mất ở cõi tạm bợ này, làm sao y lại quá buồn đau và tuyệt vọng khi mà y biết chắc chắn rằng vị sẽ đứng ra phân xử ở Đời Sau là Đấng tuyệt đối công bằng?