Sáu trụ cột của đức tin Iman

Ý nghĩa đức tin nơi Allah, Đấng Tối Cao

Là niềm tin kiên định vào sự tồn tại của Allah, thừa nhận và khẳng định Rububiyah của Ngài, Uluhiyah của Ngài và các tên gọi và thuộc tính của Ngài.

Chúng ta sẽ nói về bốn vấn đề này một cách chi tiết qua các phần trình bày dưới đây:

  1. Đức tin vào sự tồn tại của Allah, Đấng Tối Cao:

Nhìn nhận Allah một cách tự nhiên:

Việc thừa nhận và khẳng định sự tồn tại của Allah, Đấng Tối Cao là điều tự nhiên vốn có trong con người, không cần phải nỗ lực suy luận để chứng minh, bởi lẽ này nên đại đa số người đều công nhận sự tồn tại của Allah qua các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau của họ.

Bởi thế, chúng ta cảm nhận từ sâu trong đáy lòng của chúng ta rằng Ngài tồn tại, chúng ta tìm sự phù hộ và che chở nơi Ngài những lúc gặp khổ nạn và tai kiếp, đó là niềm tin vốn có tự nhiên mà Allah đã đặt trong mỗi con người mặc dù đã có một số người cố gắng xóa bỏ và quên lãng nó.

Và chúng ta cũng từng nghe và từng thấy sự đáp lại những người cầu nguyện, sự ban cho những người khấn vái cầu xin và sự cứu giúp những người rơi vào đường cùng, đó là những minh chứng chắc chắn cho sự tồn tại của Allah, Đấng Tối Cao.

Các minh chứng cho sự tồn tại của Allah qua sự giải thích, tiêu biểu:

Bản thân con người là một trong những bằng chứng lớn nhất về sự tồn tại của Allah cho những ai biết suy ngẫm và tư duy. Hãy quan sát những gì mà Allah ban cho con người từ ân huệ trí tuệ, sự tinh vi của các giác quan, hệ thống hoạt động hoàn hảo của cơ thể, như Allah đã phán: {Và trên trái đất có những dấu hiệu cho những người có đức tin vững chãi, và ngay cả ở nơi bản thân các ngươi (cũng có những dấu hiệu), thế các ngươi không nhìn thấy ư?} (Chương 51 – Adh-Dhariyah, câu 20, 21).

  • Như đã biết đối với mọi người rằng một sự vật nào đó xảy ra đều phải có tác nhân của nó, và vô số vạn vật mà chúng ta nhìn thấy ở mọi lúc chắc hẳn phải có Đấng Tạo Hóa tạo ra chúng, ấy chính là Allah, Đấng Tối Cao, bởi lẽ không thể có tạo vật nào không do Đấng Tạo Hóa tạo ra nó và bởi lẽ tạo vật không thể tự tạo ra chính nó. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Chẳng phải chúng đã được tạo hóa từ cái không là gì cả hay phải chăng chúng là Đấng tạo hóa? } (Chương 52 – Attur, câu 35). Ý nghĩa câu kinh: Rằng chúng (con người) không được tạo ra mà không có Đấng Tạo Hóa và chúng cũng không tự tạo ra bản thân chúng, dó đó, điều dĩ nhiên là phải có một Đấng đã tạo hóa chúng, ấy chính là Allah, Đấng Tối Cao và Ân Phúc.
  • Quả thật, quy luật hoạt động một cách trật tự và tinh vi của vũ trụ càn khôn này, từ bầu trời, trái đất, các tinh tú, cây cối là một kết luận quả quyết rằng vũ trụ càn khôn này phải có một Đấng Tạo Hóa duy nhất, đó chính là Allah, Đấng Tối Cao. {Một công trình nghệ thuật của Allah, Đấng hoàn chỉnh mọi vật một cách tinh vi.} (Chương 27 – Annaml, câu 88). Các tinh tú, các vì sao chẳng hạn, chúng luôn di chuyển theo một hệ thống cố định không bị phá vỡ, mỗi tinh tú đều di chuyển trong quỹ đạo nhất định không hề vượt giới hạn của nó. Allah phán: {Mặt trời không được phép bắt kịp mặt trăng, và ban đêm không được phép vượt qua ban ngày; mỗi cái đều bơi trong quỹ đạo của nó} (Chương 36 – Yasin, câu 40).
  1. Đức tin nơi Rububiyah của Allah, Đấng Tối Cao:

Ý nghĩa đức tin nơi Rububiyah của Allah, Đấng Tối Cao:

Đó là chứng nhận và tin tưởng kiên định rằng Allah, Đấng Tối Cao là Thượng Đế của mọi vạn vật, Đấng Chủ Tể, Đấng Điều Hành Chế Ngự, Đấng Tạo Hóa, Đấng Ban Phát Nuôi Dưỡng, rằng Ngài là Đấng làm cho sống và làm cho chết, Đấng ban điều lành gây điều dữ, tất cả mọi sự việc, sự vật đều nằm trong mệnh lệnh của Ngài, Ngài là Đấng Toàn Năng trên mọi thứ, Ngài không có đối tác chia sẽ tất cả những điều đó.

Do đó, chỉ có một mình Allah duy nhất quản lý và điều hành tất cả, một mình Ngài duy nhất hành động vụ việc của Ngài, và điều đó có nghĩa là:

Rằng Allah là Đấng Tạo Hóa duy nhất tất cả mọi vạn vật trong vũ trụ không có Đấng Tạo Hóa nào khác Ngài, như Ngài phán: {Allah là Đấng Tạo hóa tất cả mọi vạn vật.} (Chương 39 – Azzumar, câu 62).

Còn đối với việc sản xuất và tạo ra của con người chỉ là một hình thức chuyển đổi từ một thể trạng khác, hoặc là lắp ráp hay cài đặt hoặc tương tự chứ không phải là sự tạo hóa thực thụ, không phải tạo ra một thứ gì đó từ cái không và cũng không làm sống lại sau cái chết.

Và Ngài là Đấng ban phát và nuôi dưỡng tất cả mọi sinh vật, không có Đấng nuôi dưỡng và ban phát nào khác ngoài Ngài, như Ngài đã phán: {Và không một sinh vật nào sống trên trái đất mà nguồn lương thực lại không do Allah cung cấp.} (Chương 11 – Hud, câu 6).

Và Ngài là Đấng Thống Trị mọi vạn vật, không có Đấng thống trị đích thực nào khác ngoài Ngài, Ngài phán: {Allah nắm quyền thống trị các tầng trời và trái đất và mọi vạn vật giữa trời đất.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 120).

Và Ngài là Đấng Điều Hành mọi vạn vật, mọi sự việc, mọi hiện tượng, không có đấng điều hành nào khác ngoài Allah, Ngài phán: {Ngài sắp đặt mọi công việc từ trên trời xuống dưới đất.} (Chương 32 – Assajdah, cau 5).

Riêng đối với sự sắp đặt, điều hành, quản lý công việc và cuộc sống của con người chỉ là những điều trong giới hạn và tầm khả năng nhất định của y, và có thể sự điều hành và quản lý đó mang lại hiệu quả hoặc không mang lại hiệu quả; nhưng sự quản lý và điều hành của Đấng Tạo Hóa là bao trùm, không có một điều nằm ngoài sự kiểm soát của Ngài và cũng không có một điều gì nghịch lại ý chỉ của Ngài, Ngài phán: {Chẳng phải mọi sự tạo hóa và mọi mệnh lệnh đều thuộc nơi Ngài đó sao, thật phúc thay cho Allah, Đấng Chủ Tể của vũ trụ và muôn loài!} (Chương 7 – Al-‘Araf, câu 54).

Những người Ả rập thờ đa thần trong thời Thiên Sứ của Allah e đều có đức tin nơi Rububiyah của Allah:

Những người ngoại đạo trong thời Thiên Sứ của Allah e cũng thừa nhận rằng Allah là Đấng Tạo Hóa, Đấng Điều Hành và Chế Ngự, tuy nhiên, họ không được cho là theo Islam vì chỉ có niềm tin đơn lẽ đó. Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và nếu như Ngươi (Muhammad) hỏi chúng: “Ai đã tạo các tầng trời và trái đất ?” chắc chắn chúng sẽ đáp: “Allah”} (Chương 31 – Luqman, câu 25).

Bởi lẽ, người nào thừa nhận rằng Allah là Đấng Chủ Tể của vũ trụ và muôn loài, có nghĩa là Ngài đã tạo hóa ra họ, điều hành, nuôi dưỡng và ban phát các ân huệ cho họ thì bắt buộc họ phải thờ phượng một mình Ngài duy nhất không được tổ hợp với Ngài bất cứ điều gì.

Làm sao là có hiểu biết cho được khi một người thừa nhận Allah là Đấng Tạo Hóa tất cả mọi vạn vật, Ngài điều hành và thống trị toàn vũ trụ càn khôn, Ngài làm cho sống và làm cho chết, nhưng lại hướng sự thờ phượng đến ai (vật) khác Ngài?! Đây quả thật là một hành động bất công, một hành vi tội lỗi vô cùng lớn. Cũng chính vì lẽ này mà nhà hiền nhân Luqman đã nói lời khuyên bảo với người con của ông: {Này hỡi con yêu của cha, con chớ đừng làm điều Shirk với Allah, quả thật, Shirk là điều bất công vô cùng nghiêm trọng.} (Chương 31 – Luqman, câu 13). Và khi Thiên Sứ của Allah e được hỏi: Tội nào là tội lớn nhất đối với Allah? Người e bảo: “Đó là việc ngươi gán cho Allah một đối tác ngang hàng trong khi Ngài đã tạo hóa ngươi” (Albukhari: 4207, Muslim: 86).

Đức tin Iman nơi Rububiyah của Allah làm thanh thản con tim. .

Đức tin nơi Rububiyah làm thanh thản con tim:

Khi người bề tôi nhận thức một cách kiên định rằng không có một ai trong tạo vật có thể thoát khỏi sự định đoạt và sắp đặt của Allah, Đấng Tối Cao, thì trái tim của họ sẽ cảm thấy an bình và thanh thản, bởi vì y biết rằng Allah là Đấng thống trị họ, an bài cho họ như thế nào theo ý của Ngài dưới sự sáng suốt của Ngài, Ngài là Đấng tạo hóa tất cả họ, tất cả những gì khác Allah đều là tạo vật lệ thuộc vào Ngài, tất cả mọi sự việc đều nằm trong tay Ngài, không có Đấng Tạo Hóa nào khác ngoài Ngài, Ngài là Đấng Duy Nhất ban phát bổng lộc và ân huệ, là Đấng Đuy Nhất điều hành vũ trụ, mọi chuyển động của hạt nguyên tử cũng phải theo phép của Ngài. Những lẽ đó làm cho người bề tôi đặt trọn trái tim của mình hướng về một mình Ngài, chỉ cầu xin khấn vái nơi Ngài, mọi vụ việc trong cuộc sống của y đều dựa vào Ngài, y sẽ luôn can đảm và kiên trì trong việc đối phó với các thay đổi bất thường của cuộc sống một cách bình tĩnh và quyết tâm, y sẽ luôn nỗ lực tìm kiếm các nguyên nhân để đạt được mục tiêu của cuộc sống đồng thời cầu xin Allah phù hộ cho ý muốn của mình. Bởi vì tất cả mọi sự việc đều nằm trong tay của Allah, Ngài tạo hóa và chọn những gì Ngài muốn.

  1. Đức tin Iman nơi Uluhiyah của Allah, Đấng Tối Cao

Độc tôn hóa Allah và thờ phượng Ngài là ý nghĩa đích thực của “ لا إله إلا الله” – “Không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah”

Ý nghĩa đức tin Iman nơi Uluhiyah của Allah, Đấng Tối Cao:

Niềm tin kiên định rằng Allah, Đấng Tối Cao là Đấng duy nhất đáng được thờ phượng với mọi hình thức thờ phượng, công khai hay thầm kín, chúng ta phải độc tôn hóa Allah trong mọi hình thức thờ phượng, như Du-a (cầu nguyện), kính sợ, phó thác, cầu phù hộ, dâng lễ nguyện Salah, xuất Zakah, nhịn chay, và không có Đấng nào đáng được thờ phượng ngoài Allah cả như Ngài đã phán:

{Và Đấng thờ phượng của các ngươi là Thượng Đế duy nhất, không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Ngài, Đấng rất mực Nhân từ, rất mực Khoan dung.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 163).

Allah, Đấng Tối Cao đã cho chúng ta biết rằng quả thật chỉ có một Thượng Đế duy nhất tức chỉ có một Đấng Thờ Phượng duy nhất, bởi thế, không được nhận một thần linh nào khác Ngài và không được thờ phượng ai (vật) khác Ngài.

Tầm quan trọng của đức tin Iman nơi Uluhiyah của Allah, Đấng Tối Cao:

Biểu hiện tầm quan trọng của đức tin Iman nơi Uluhiyah của Allah, Đấng Tối Cao trong nhiều khía cạnh:

  1. Đó là mục đích của việc tạo hóa loài Jinn và loài người, họ được tạo ra là chỉ để thờ phượng một mình Allah, không được phép tổ hợp với Ngài một thần linh ngang vai. Allah phán: {Và TA tạo hóa loài Jinn và loài người mục đích chỉ để chúng thờ phượng riêng TA} (Chương 51 – Azh-zhariyat, câu 56).
  2. Đó là ý nghĩa của việc cử phái các vị Thiên Sứ đến và ban xuống các Kinh Sách để xác nhận rằng không có Đấng thờ phượng đích thực nào mà chỉ có Allah duy nhất và phủ nhận tất cả mọi sự thờ phượng khác Allah. Ngài phán: {Và quả thật, TA đã cử phái đến với mỗi cộng đồng một vị sứ giả với mệnh lệnh rằng hãy thờ phượng Allah và tránh xa tà thần} (Chương 16 – Annahl, câu 36).
  3. Đó là bổn phận đầu tiên đối với con người, điều này như đã được nói đến trong lời dặn dò của Nabi e dành cho Mu’azd bin Jabal khi Người ra lệnh cho ông đến xứ Yemen: “Quả thật, Ngươi hãy đến với cộng đồng thuộc dân Kinh Sách, điều đầu tiên mà ngươi làm đó là kêu gọi họ đến với lời tuyện thệ ‘لا إله إلا الله’ – ‘Không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah’” (Albukhari : 1389, Muslim: 19). Có nghĩa là: Ngươi hãy kêu gọi họ đến với sự tôn thờ Allah duy nhất.
  4. Rằng đức tin nơi Uluhiyah là ý nghĩa đích thực của “لا إله إلا الله”, tức không có Đấng nào đáng được tôn thờ mà chỉ có Allah duy nhất, chúng ta không được phép hướng bất kỳ hình thức thờ phượng nào đến ai (vật) khác Ngài.
  5. Rằng đức tin Iman nơi Uluhiyah là kết quả hợp lý của niềm tin rằng Allah là Đấng Tạo Hóa, Đấng Điều Hành, Đấng Thống Trị.

Thờ phượng có nghĩa là gì?

Thờ phượng: Danh từ bao quát tất cả những gì Allah yêu thích và hài lòng từ lời nói, hành động mà Ngài đã ra lệnh bảo cũng như khuyến khích thực hiện, dù đó là những việc làm công khai như dâng lễ nguyện Salah, xuất Zakah, hành hương Hajj, hoặc những việc làm thầm kín của nội tâm như tình yêu dành cho Allah và Thiên Sứ của Ngài, kính sợ Ngài, phó thác cho Ngài, cầu xin Ngài phù hộ ...

 

Sự thờ phượng trong mọi khía cạnh của cuộc sống

Tất cả mọi việc làm có sự định tâm ngoan thiện đều được coi là thờ phượng và con người được ban thưởng bởi các việc làm đó.

Sự thờ phượng bao trùm tất cả những gì mà người có đức tin đã thể hiện với định tâm làm hài lòng Allah, sự thờ phượng trong Islam không phải chỉ giới hạn trong phạm vi các nghi lễ thờ cúng và hành đạo như dâng lễ nguyện Salah, nhịn chay, .. không thôi mà nó bao hàm tất cả mọi việc làm hữu ích có định tâm ngoan thiện. Trong Islam, chỉ cần có tâm niệm tốt thì tất cả các việc làm hữu ích đều được coi là thờ phượng và được ban thưởng, dù người Muslim ăn, uống hoặc ngủ nhưng với định tâm vì mục đích phục tùng Allah, Đấng Tối Cao thì y sẽ được Ngài ban ân phước cho những sự việc đó. Bỡi lẽ này, toàn bộ cuộc sống của người Muslim đều hướng về Allah, y ăn vì mục đích phục tùng Ngài thì việc ăn đó của y là thờ phượng, y cưới vợ (lấy chồng) để bản thân tránh khỏi điều Haram thì việc cưới vợ lấy chồng đó của y là thờ phượng, y buôn bán kinh doanh và làm việc để kiếm tiền nhưng với tâm niệm tốt thì đó là thờ phượng, y nỗ lực học hỏi kiến thức rèn luyện trí lực khám phá, phát minh có định tâm tốt thì đó là thờ phượng, y chăm sóc gia đình, con cái, nhà cửa là thờ phượng, .. tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi hành động, mọi việc làm hữu ích với tâm niệm ngoan thiện đều là thờ phượng.

Thờ phượng là giá trị của việc tạo hóa

Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và TA tạo hóa loài Jinn và loài người mục đích chỉ để chúng thờ phượng riêng TA * TA không đòi hỏi bổng lộc từ nơi chúng và cũng không đòi hỏi chúng nuôi dưỡng TA * Quả thật, Allah mới là Đấng ban bổng lộc cho tất cả, Ngài là Đấng của mọi quyền lực và sức mạnh.} (Chương 51 – Azh-zhariyat, câu 56 - 58).

Allah phán cho biết rằng ý nghĩa và mục đích mà Ngài đã tạo hóa loài Jinn và loài Người chính là để họ thờ phượng Ngài, và Allah bất cần đến sự thờ phượng của họ, chỉ có họ mới thực sự cần thờ phượng Ngài vì họ lệ thuộc vào Ngài.

Nếu con người bỏ bê mục tiêu đó và chỉ biết hưởng thụ trong niềm vui của thế giới trần gian, không còn nhớ đến ý nghĩa và giá trị mà Thượng Đế đã để y tồn tại thì y biến thành một sinh vật vô nghĩa kém hớn cả mọi loài sinh vật khác trong vũ trụ càn khôn này, bởi các loài động vật, chúng biết ăn và biết ý thức Thượng đế trong khi chúng không bị thanh toán ở Đời Sau, còn ngược lại con người phải bị thanh toán ở Đời Sau. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và những kẻ vô đức tin thì chỉ biết hưởng lạc, chúng ăn uống như thú vật và Hỏa Ngục sẽ là nơi ở của chúng.} (Chương 47 – Muhammad, câu 12).

Các trụ cột của thờ phượng

Sự thờ phượng chỉ có giá trị và được chấp nhận khi nào hội đủ sự thành tâm vì Allah và tuân thủ theo Thiên Sứ của Ngài.

Quả thật sự thờ phượng mà Allah ra lệnh phải được dựng trên hai trụ cột cơ bản:

Thứ nhất: Phủ phục và kính sợ một cách trọn vẹn.

Thứ hai: Dành tình yêu thương trọn vẹn đến Ngài

Thờ phượng mà Allah sắc lệnh cho các bầy tôi của Ngài là thờ phượng cần phải có sự phủ phục và kính sợ một cách hoàn toàn, và với tình yêu trọn vẹn trong đó có sự yêu thích và niềm hy vọng.

Tình yêu không có sự kính sợ và phủ phục thì giống tình yêu dành cho thức ăn và tiền bạc, nó không phải là thờ phượng; tương tự, kính sợ nhưng không có tình yêu giống như nỗi sợ đối với thú dữ, sợ người quyền hành làm điều bất công chứ không được cho là thờ phượng; còn một khi kết hợp giữa nỗi sợ và tình yêu trong hành động thì đó là thờ phượng, và thờ phượng chỉ hướng về một mình Allah duy nhất.

Các điều kiện của thờ phượng

Sự thờ phượng có giá trị và được chấp nhận cần phải hội đủ hai điều kiện:

Thành tâm thờ phượng một mình Allah duy nhất, không tổ hợp cùng với Ngài bất cứ một thứ gì.

Thờ phượng đúng theo Sunnah (đường lối) của Thiên Sứ e.

Allah, Đấng Tối Cao phán: {Vâng, bất cứ ai nạp trọn sắc diện của mình cho Allah đồng thời là một người làm tốt thì sẽ được phần thưởng nơi Thượng Đế của y. Họ sẽ không lo sợ cũng sẽ không buồn phiền.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 112).

Ý nghĩa {nạp trọn sắc diện của mình cho Allah} là hướng hoàn toàn sự thờ phượng đến một mình Allah.

Và ý nghĩa {đồng thời là một người làm tốt} là tuân thủ theo đúng giáo luật Allah ban hành và những gì nằm trong Sunnah của Thiên Sứ e.

Việc theo đúng Sunnah của Nabi e là chỉ ở các hình thức thờ phượng thuần túy chẳng hạn như dâng lễ nguyện Salah, nhịn chay và tụng niệm, riêng đối với những gì nằm trong sự thờ phượng nhưng chỉ mang ý nghĩa chung chẳng hạn như các thói quen giao tiếp và hành xử cũng như các việc làm thiện tốt của người bề tôi với định tâm vì Allah như thể dục thể thao với định tâm rèn luyện sức khỏe để phục tùng Allah, buôn bán kinh doanh để nuôi dưỡng và chu cấp cho gia đình con cái thì không cần phải tuân thủ đúng theo Sunnah mà chỉ cần không làm trái với giáo luật và không phạm vào những điều Haram.

Shirk (sự tổ hợp với Allah một thần linh ngang vai)

  • Shirk đi ngược lại với đức tin Iman nơi Uluhiyhah của Allah. Nếu đức tin Iman nơi Uluhiyhah của Allah, Đấng Tối Cao và sự độc tôn hóa trong thờ phượng là bổn phận quan trọng nhất thì quả thật Shirk là điều đại nghịch lớn nhất đối với Allah, nó là đại trọng tội duy nhất mà Allah không bao giờ tha thứ trừ phi biết quay về sám hối. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Quả thật, Allah không tha thứ cho hành vi Shirk (hành vi gán ghép một đối tác ngang hàng với Allah trong thờ phượng) nhưng Ngài sẽ tha thứ cho những tội lỗi khác cho người nào Ngài muốn.} (Chương 4 - Annisa’, câu 48). Và khi Thiên Sứ của Allah được hỏi rằng tội nào lớn nhất ở nơi Allah thì Người bảo: “Đó là ngươi nhận một thần linh khác Allah trong khi Ngài đã tạo ra ngươi” (Albukhari: 4207, Muslim: 86).
  • Và Shirk hủy hoại và làm mất hết giá trị của mọi điều tuân lệnh, Allah, Đấng Tối Cao phán: {Nhưng nếu họ tổ hợp (tôn thờ) những thần linh khác cùng với Allah (trong việc thờ phượng) thì tất cả các việc làm của họ đều trở nên hoài công vô ích.} (Chương 6 - Al-An’am, câu 88). Và Shirk sẽ khiến người bạn của nó phải đời đời kiếp kiếp sống trong Hỏa Ngục, Allah, Đấng Tối Cao phán: {Quả thật, người nào làm điều Shirk với Allah thì y sẽ bị cấm vào Thiên Đàng và chỗ ở của y sẽ là nơi Hỏa ngục.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 72).

Shirk có hai loại, đại và tiểu

  1. Đại Shirk: là người bề tôi hướng một hình thức thờ phượng nào đó đến với ai (vật) khác Allah, Đấng Tối Cao. Tất cả lời nói, hành động mà Allah yêu thích phải được hướng về một mình Allah, còn hướng nó đến ai (vật) khác Ngài thì đó là Shirk và Kufr (vô đức tin).

Thí dụ cho loại Shirk này: Cầu xin ai (vật) khác Allah, cầu nguyện nó ban cho khỏi bệnh, ban cho sự giàu có, hoặc phó thác cho ai (vật) khác Allah hoặc cúi đầu quỳ lạy ai (vật) khác Allah.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và Thượng Đế của các ngươi đã phán: “Hãy cầu nguyện TA, TA sẽ đáp lại các ngươi.”} (Chương 40 – Ghafir, câu 60).

Ngài phán: {Và các ngươi hãy phó thác cho Allah nếu các ngươi thực sự là những người có đức tin.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 23). Ngài phán: {Các ngươi hãy quỳ lạy Allah và thờ phượng Ngài.} (Chương 53 – Annajm, câu 62). Bởi thế, ai hướng những điều đó đến với ai (vật) khác Allah là kẻ vô đức tin, thờ đa thần.

  1. Tiểu Shirk: Là tất cả lời nói, hành động làm phương tiện hay con đường dẫn đến đại Shirk

Thí dụ: Có tâm niệm Riya’ (phô trương để mọi người thấy) như kéo dài lễ nguyện Salah để thiên hạ nhìn thấy, hoặc đọc Qur’an hay tụng niệm lớn tiếng để mọi người nghe thấy và khen ngợi. Thiên Sứ của Allah e nói: “Quả thật, điều mà Ta lo sợ nhất cho các ngươi là tiểu Shirk”. Các Sahabah hỏi: Tiểu Shirk là gì vậy thưa Thiên Sứ của Allah? Người nói: “Riya’” tức sự phô diễn cho người nhìn thấy trong thờ phượng để được khen ngợi hay vì lợi ích nào đó. (Ahmad: 23630).

Còn nếu như sự thờ phượng của y là chỉ vì mọi người, dù y dâng lễ nguyện Salah, y nhịn chay thì tất cả đều là việc làm của người Munafiq (giả tạo đức tin), y đích thực là kẻ phạm vào đại Shirk bị trục xuất khỏi tôn giáo Islam.

Việc nhờ vả và cầu xin con người có phải là hành vi Shirk không?

Quả thật, Islam đến để giải phóng tâm trí con người khỏi sự mê tín dị đoan và giải phóng tâm hồn khỏi sự phủ phục ai (vật) khác Allah, Đấng Tối Cao.

Do đó, không được phép cầu xin khấn vái và phủ phục người chết, hoặc các vật vô tri vô giác, vì đó là hành vi mê tín và Shirk.

Còn việc cầu xin, nhờ vả người sống đang hiện diện có khả năng giúp đỡ hoặc cứu khỏi chết đuối hoặc nhờ y cầu xin Allah giùm thì đây là trường hợp được phép.

Có được phép cầu xin khấn vái các vật vô tri vô giác hoặc người chết không?
Đúng
Đây là hành vi Shirk trái nghịch với Islam và đức tin Iman bởi lẽ người chết và các vật vô tri vô giác không có khả năng nghe thấy cũng như không thể đáp lại lời cầu xin khấn vái của bất cứ ai, trong khi việc cầu xin khấn vái là một hình thức thờ phượng, nếu hướng nó đến ai (vật) khác Allah là tội Shirk, và quả thật, những người Ả rập trong thời Mặc khải đã cầu xin khấn vái các vật vô tri vô giác và những người đã khuất.
Không đúng
Cầu xin nhờ vả người sống, nghe thấy lời nói của bạn và lời cầu khẩn của bạn. Liệu y có khả năng đáp lại lời cầu xin của bạn giống như bạn nhờ vả và khẩn cầu y giúp đỡ những điều trong tầm khả năng của y không?
Đúng
Đây là sự cầu xin và nhờ vả được phép không vấn đề gì, hơn nữa đấy là một phần trong các mối quan hệ và cư xử giao tế hàng ngày giữa con người với nhau.
Không đúng
Nếu cầu xin và nhờ vả người sống với những điều mà y không có khả năng giống như người hiếm muộn con cái khẩn cầu người sống ban cho con cái ngoan hiền, đấy là đại Shirk đi ngược lại với Islam bởi vì đã cầu xin khấn vái ai (vật) khác Allah.