Nhịn chay Ramadan

Ý nghĩa nhịn chay:

Trong Islam, nhịn chay có nghĩa là sự thờ phượng Allah qua sự nhịn ăn, nhịn uống, nhịn quan hệ vợ chồng cùng một số những thứ làm hư sự nhịn chay khác từ lúc rạng đông – tức thời điểm Azan Fajar – cho tới lúc mặt trời lặn – tức thời điểm Azan Maghrib.

Ân phúc của tháng Ramadan

Tháng Ramadan là tháng thứ chín trong năm theo lịch mặt trăng của niên lịch Islam.

Tháng Ramadan là tháng thứ chín trong năm theo lịch mặt trăng của niên lịch Islam. Nó là tháng ân phúc và thiêng liêng nhất trong năm, Allah đặc biệt ban nhiều ân phúc trong tháng này hơn những tháng khác, và tiêu biểu cho các ân phúc đó là:

  1. Đó là tháng mà Allah đã ban xuống Kinh sách vĩ đại nhất trong các Kinh sách của Ngài, ấy là Kinh Qur’an thiêng liêng. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Tháng Ramadan là tháng mà Kinh Qur’an được ban xuống làm Chỉ đạo cho nhân loại và mang bằng chứng rõ rệt về sự Chỉ đạo và Tiêu chuẩn phân biệt phúc tội. Bởi thế, ai trong các ngươi chứng kiến tháng đó thì phải nhịn chay.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 185).
  2. Nabi r nói: “Khi vào tháng Ramadan, các cánh cửa Thiên Đàng được mở ra, các cánh cửa Hỏa Ngục được đóng lại và các Shaytan bị xiềng xích lại” (Albukhari: 3103, Muslim: 1079). Quả thật, Allah đã chuẩn bị cho các bầy tôi của Ngài để họ chào đón tháng thiêng liêng này bằng việc làm tuân lệnh và tránh xa những điều tội lỗi và trái lệnh.
  3. Ai nhịn chay vào ban ngày, đứng dâng lễ nguyện vào ban đêm thì sẽ được tha thứ những tội lỗi đã qua. Nabi r nói: “Ai nhịn chay Ramadan bằng cả đức tin Iman và niềm hy vọng thì sẽ được tha thứ những tội lỗi đã qua” (Albukhari: 1910, Muslim: 760). Và Người r nói: “Ai đứng dâng lễ nguyện Salah trong đêm Ramadan bằng cả đức tin Iman và niềm hy vọng thì sẽ được tha tứ những tội lỗi đã qua” (Albukhari: 1905, Muslim: 759).
  4. Trong tháng này có một đêm ân phúc và thiêng liêng nhất so với tất cả những đêm khác trong năm, đêm mà Allah phán trong Qur’an cho biết rằng việc hành thiện và làm điều ngoan đạo trong một đêm sẽ tốt đẹp hơn cả ngàn tháng: لَيْلَةُ الْقَدْرِ خَيْرٌ مِنْ أَلْفِ شَهْرٍالقدر: 3 {Đêm Định mệnh tốt hơn cả một ngàn tháng.} (Chương 97 – Al-Qadr, câu 3). Ai hành đạo và làm viện thiện trong đêm đó bằng cả đức tin và niềm hy vọng thì sẽ được tha thứ các tội lỗi đã qua. Và đêm đó là một đêm nằm trong mười đêm cuối của tháng Ramadan nhưng không được chỉ định cụ thể.

Giá trị của nhịn chay

Allah sắc lệnh qui định nhịn chay bởi nhiều giá trị và ý nghĩa khác nhau trong đạo và đời, tiêu biểu như:

  1. Khẳng định lòng Taqwa (kính sợ và ngay chính) đối với Allah, Đấng Tối Cao:

Người bề tôi muốn được đến gần với Thượng Đế của y nên y từ bỏ những điều bản thân yêu thích, từ bỏ những dục vọng của bản thân, y luôn kính sợ và ngay chính vì biết rằng Allah đang theo dõi mọi hành động và cử chỉ của y ở mọi nơi mọi lúc, thầm kín hay công khai. Cũng chính vì lẽ này mà Allah đã phán: {Hỡi những ai có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho những người trước các ngươi, mong rằng các ngươi sẽ ngay chính biết kính sợ Allah.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 183).

  1. Rèn luyện bản thân tránh xa tội lỗi:

Khi người bề tôi có thể nhịn những điều được phép để chấp hành mệnh lệnh của Allah thì y sẽ dễ dàng cũng như sẵn sàng tránh những điều bị nghiêm cấm từ những tội lỗi và nghịch lệnh Allah, y sẽ luôn biết giữ mình trong giới hạn của Ngài. Nabi r nói: “Ai không bỏ những lời nói dối cũng như có hành vi đó thì quả thật Allah đâu cần đến việc y bỏ thức ăn và thức uống của y” (Albukhari: 1804), có nghĩa là người nào nhịn chay nhưng không từ bỏ lời nói dối cũng như có hành vi dối trá thì sự nhịn chay của y chẳng có giá trị gì ở nơi Allah cả.

  1. Nghĩ đến những người nghèo khổ và đói khát:

Trong nhịn chay, người bề tôi sẽ phải chịu cảnh đói khát, điều này nhắc nhở y luôn nhớ đến những người nghèo phải chịu cảnh đói khát và cùng cực trong suốt thời gian dài của năm. Lúc bấy giờ, người bề tôi sẽ nghĩ đến những anh em đồng đạo của mình đang chịu cảnh đói khát, chịu cảnh thiếu thốn trong cuộc sống, để rồi y sẵn sàng ra tay cứu giúp họ trong cảnh đói khát cơ hàn.

Ân phước của nhịn chay

Người nhịn chay sẽ đạt được nhiều ân phước như đã được nói đến trong giáo luật:

Người nhịn chay có hai niềm vui: niềm vui lúc xả chay và niềm vui khi trình diện Thượng Đế của y.

  1. Ai nhịn chay Ramadan bằng cả đức tin nơi Allah nhằm để thực hiện theo mệnh lệnh của Ngài một cách thành tâm với niềm hy vọng sự ban thưởng từ nơi Ngài thì Ngài sẽ tha thứ cho y những tội lỗi đã qua, như Nabi r nói: “Ai nhịn chay Ramadan bằng cả đức tin Iman và niềm hy vọng thì sẽ được tha thứ những tội lỗi đã qua” (Albukhari: 1910, Muslim: 760).
  2. Người nhịn chay sẽ hạnh phúc và có được niềm vui bởi những ân thưởng mà Allah sẽ ban cho y khi trở về trình diện Ngài qua sự nhịn chay của y, như Nabi r nói: “Người nhịn chay có hai niềm vui: niềm vui lúc xả chay và niềm vui lúc trình diện Thượng Đế của y” (Albukhari: 1805, Muslim: 1151).
  3. Trong Thiên Đàng có một cánh cửa được gọi là Arroyyan chỉ dành riêng cho những người nhịn chay đi vào. Nabi r nói: “Quả thật, trong Thiên Đàng có một cánh cửa được gọi là Arroyyan, những người nhịn chay sẽ vào Thiên Đàng bằng cánh cửa này vào Ngày Phán Xét, sẽ không ai được vinh dự vào cánh cửa này ngoài họ. Khi đó, sẽ có tiếng hô gọi: Những người nhịn chay đâu? Họ đứng dậy và đi vào, không ai khác họ được đi vào bằng cánh cửa này, và khi họ đã vào thì cánh cửa sẽ đóng lại” (Albukhari: 1797, Muslim: 1152).
  4. Rằng chính Allah sẽ trực tiếp định đoạt phần thưởng dành cho sự nhịn chay, chính Ngài sẽ dành riêng cho nó một phần thưởng xứng đáng, bởi thế, hãy báo tin vui về những gì Allah chuẩn bị dành cho người nhịn chay, Nabi r nói: “Tất cả mọi việc làm của con cháu Adam (con người) đều là của y trừ việc nhịn chay, bởi vì nó là của TA, chính TA sẽ định mức phần thưởng cho nó” (Albukhari: 1805, Muslim: 1151).

Những điều làm hỏng nhịn chay

Đây là những điều mà người nhịn chay phải tránh bởi vì chúng sẽ làm hỏng sự nhịn chay. Những điều này gồm có:

  1. Ăn, uống. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Bởi thế, bây giờ các ngươi được phép chung chạ với họ (vợ) nhưng hãy cố gắng thực hiện những điều Allah qui định cho các ngươi, và các ngươi hãy ăn và uống cho đến khi các ngươi nhìn thấy rõ sợi chỉ trắng của buổi rạng đông tách khỏi sợi chỉ đen của nó thì các ngươi hãy nhịn chay cho đến ban đêm.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 187). Và ai ăn và uống do quên thì sự nhịn chay của y vẫn còn giá trị và y cũng không bị mắc tội, như Nabi r đã nói: “Ai quên trong lúc y nhịn chay nên đã ăn hoặc uống thì y cứ tiếp tục sự nhịn chay của mình, bởi vì quả thật Allah chỉ muốn giải cơn đói khát cho y.” (Albukhari: 1831, Muslim: 1155).
  2. Những gì mang tính chất của sự ăn và uống, chẳng hạn như:
  • Dịch truyền cho cơ thể mang tính chất dinh dưỡng khi cơ thể bị mất nước, muối và dinh dưỡng, bởi vì dịch truyền này mang ý nghĩa của sự ăn và uống cho nên nó cũng được coi là thức ăn và thức uống.
  • Truyền máu cho người bệnh, bởi vì máu là kết quả của ăn và uống.
  • Hút thuốc dưới mọi hình thức đều làm hỏng nhịn chay, bởi vì đó là cách đưa chất độc vào cơ thể bằng sự hít khói.
  1. Giao hợp qua đường âm đạo, cho dù chỉ mới đưa phần đầu dương vật vào âm đạo, xuất tinh hay không xuất tinh.
  2. Xuất tinh có chủ ý bằng sự mơn trớn, thủ dâm, hay dưới các hình thức khác.

Riêng đối với trường hợp mộng tinh tức xuất tinh trong lúc ngủ thì không phải là điều làm hỏng sự nhịn chay.

Người đàn ông được phép hôn người vợ của mình nếu như y có khả năng kìm hãm được bản thân không rơi vào điều làm hỏng nhịn chay.

  1. Nôn mửa một cách có chủ ý, còn nếu như nôn mửa không có chủ ý tức không nằm trong sự kiểm soát của cơ thể thì không vấn đề gì. Nabi r nói: “Ai nôn mửa không có chủ ý trong lúc đang nhịn chay thì y không cần phải nhịn bù lại, còn ai cố tình nôn mửa thì phải nhịn chay bù lại” (Tirmizhi: 720, Abu Dawood: 2380).
  2. khi nào có kinh hay máu hậu sản thì sự nhịn chay của người phụ nữ bị hỏng dù sự việc xảy ra trước khi mặt trời lặn một chốc lát hoặc người đang có kinh và sạch kinh lúc sau giờ Fajar thì sự nhịn chay cũng không được công nhận nên người phủ nữ đó phải xả chay trong ngày hôm đó. Nabi r nói: “Chẳng phải là khi nào phụ nữ có kinh nguyệt thì không được phép dâng lễ nguyện Salah cũng như không được phép nhịn chay đó sao?” (Albukhari: 1850).

Trường hợp người phụ nữ xuất máu nhưng không phải là theo chu kỳ kinh nguyệt thường lệ mà nguyên nhân do bệnh lý hoặc máu đó không phải là máu hậu sản sau khi sinh đẻ thì nó không ảnh hưởng đến sự nhịn chay.

Ai được Allah cho phép không nhịn chay?

Allah cho phép một số đối tượng không nhịn chay trong Ramadan nhằm mục đích giảm nhẹ cho họ bởi lòng thương xót và bao dung của Ngài dành cho họ, họ gồm những người sau đây:

1 Những người bệnh có thể bị sự nhịn chay gây tác hại đến sức khỏe, những người này được phép ăn uống bình thường và sau đó nhịn bù lại sau Ramadan.

2 Người có cơ thể yếu không có khả năng nhịn chay do lớn tuổi hay do bệnh tật không có hy vọng chữa khỏi thì được phép không nhịn chay nhưng phải thay thế sự nhịn chay bằng cách nuôi ăn mỗi ngày cho một người nghèo với giá trị tương đương với 1,5 kg lương thực của từng nơi.

3 اNgười đi đường xa trong suốt hành trình hay trong suốt thời gian tạm trú dưới bốn ngày thì được phép không nhịn chay và phải nhịn bù lại sau Ramadan. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và ai bị bệnh hoặc đi xa nhà thì phải nhịn chay bù lại số ngày đã thiếu. Allah muốn điều dễ dàng cho các ngươi chứ Ngài không muốn gây khó khăn cho các ngươi.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 183 - 186).

4 Phụ nữ có kinh hoặc máu hậu sản không được phép nhịn chay nhưng phải nhịn chay bù lại sau Ramadan (xem trang 98).

5 Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, khi nào hai dạng phụ nữ này lo ngại cho sức khỏe cũng như lo ngại cho em bé thì được phép không nhịn chay nhưng phải nhịn bù lại.

Giáo luật qui định thế nào đối với người không nhịn chay trong Ramadan?

Bất cứ ai ăn uống trong Ramadan một cách không có lý do chính đáng theo qui định của giáo luật thì y sẽ mang tội trái lệnh Allah, y phải sám hối với Ngài và hứa sẽ không tái phạm, y phải nhịn bù lại ngày hôm đó, ngoại trừ trường hợp y quan hệ giao hợp thì ngoài việc y phải nhịn bù lại thì y còn cần phải thực hiện hình phạt Kaffarah cho tội lỗi đó bằng cách giải thoát cho một người nữ nô lệ tức chuộc thân cho một nô lệ Muslim để trả tự do cho y, tôn giáo Islam luôn xem trọng vấn đề tự do con người, và khi nào không tìm thấy người nô lệ như trong thời buổi ngày nay thì y phải nhịn chay hai tháng liên tục nối tiếp nhau, còn nếu y không có khả năng nhịn chay thì y phải nuôi ăn 60 người nghèo.

Nhịn chay tình nguyện

Allah sắc lệnh bắt buộc nhịn chay chỉ một tháng trong năm, tuy nhiên, Ngài khuyến khích nhịn chay vào những ngày khác qua sự tự nguyện của mỗi người bề tôi đối với ai có khả năng và mong muốn được thêm ân phước, những ngày khuyến khích nhịn chay gồm những ngày sau đây:

  1. Ngày A-shura’ cùng với một ngày trước nó hoặc một ngày sau nó. Ngày A-shura’ là ngày mồng mười của tháng Muharram tức tháng giêng của niên lịch Islam, và đó là ngày mà Allah đã giải cứu vị Nabi của Ngài, Musa (Moses) u khỏi sự đuổi cùng giết tận của tên bạo chúa Fir’aun (Pharaon) và đồng bọn của hắn. Những người Muslim nên nhịn chay ngày hôm đó để tạ ơn Allah đã giải cứu Nabi Musa u đồng thời để noi theo đường lối của Thiên Sứ của chúng ta r khi Người nói: “Các ngươi hãy nhịn chay trước nó một ngày hoặc sau nó một ngày” (Ahmad: 2154). Và khi được hỏi về sự nhịn chay trong ngày A’shura’ thì Người r nói: “Nó xóa đi tội lỗi của năm vừa qua” (Muslim: 1162). 
  2. Ngày Arafah, là ngày mồng chín của tháng Zdul-Hijjah, tức tháng 2 của niên lịch Islam, đây là ngày mà tất cả những người hành hương Hajj tập trung lại tại Arafah để cầu nguyện Allah, và đây là ngày thiêng liêng và ân phúc nhất trong các ngày của năm. Đối với những người không đi hành hương thì giáo luật qui định khuyến khích họ nhịn chay, bởi vì Nabi r đã nói về ân phước của việc nhịn chay ngày Arafah khi được hỏi: “Nó xóa đi tội lỗi của năm vừa qua và năm sắp tới” (Muslim: 1162).
  3. Sáu ngày của tháng Shauwal, tháng Shauwal là tháng mười của niên lịch Islam tức tháng sau Ramadan. Nabi r nói: “Ai nhịn chay Ramadan rồi nhịn thêm sáu ngày của tháng Shauwal thì coi như y đã nhịn chay nguyên năm” (Muslim: 1164).

Ngày lễ Eid Al-Fitri ân phúc

Các ngày lễ là những biểu hiệu của tôn giáo. Khi Nabi r vừa đến Madinah, Người thấy những người Ansar – những người Muslim thuộc cư dân bản xứ Madinah – vui chơi và ăn mừng vào hai ngày trong năm thì Người hỏi: Đây là hai ngày gì? Họ bảo: Chúng tôi thường vui chơi và ăn mừng vào ngày này từ thời Jahiliyah. Thế là Người r nói: “Quả thật, Allah ban cho các người hai ngay vui khác tốt đẹp hơn hai ngày đó, ấy là ngày Adha (giết tế) và ngày Fitri (ngày xả chay Ramadan)” (Abu Dawood: 1134). Và Nabi r đã cho chúng ta biết rằng các ngày lễ là những biểu hiệu của các tôn giáo, Người nói: “Quả thật, mỗi cộng đồng đều có ngày lễ riêng của họ, và đây là ngày lễ của chúng ta” (Albukhari: 909, Muslim: 892).

Ngày lễ trong Islam:

Ngày lễ trong Islam là ngày thể hiện niềm vui trong việc hoàn thành sự thờ phượng nhằm để tạ ơn Allah, Đấng Tối Cao, đã hướng dẫn và phù hộ cho việc hoàn tất tốt đẹp sự thờ phượng Ngài. Trong ngày lễ, giáo lý Islam khuyến khích tận hưởng niềm vui và hân hoan, khuyến khích mọi người ăn mặc trang phục mới đẹp, đối xử tốt với những người nghèo khó bằng tất cả mọi phương tiện và hình thức được giáo lý cho phép như tổ chức các bữa tiệc, các buổi vui chơi lành mạnh để mang lại niềm vui trong mọi trái tim của các tín đồ và để nhắc nhở họ luôn nhớ đến ân huệ của Allah ban phát cho họ.

 

Các ngày lễ của người Muslim:

Người Muslim có hai ngày lễ lớn trong năm, ngoài hai ngày này người Muslim không được phép tổ chức lễ lộc ăn mừng vào bất kỳ một ngày nào khác. Hai ngày lễ lớn này là ngày lễ Eid Al-Fitri nhằm vào ngày đầu tiên của tháng Shauwal, và ngày lễ Eid Al-Adha nhằm vào ngày mồng mười của tháng Zdul-Hijjah.

Ngày lễ Eid Al-Fitri:

Đó chính là ngày mồng một của tháng Shauwal tức tháng thứ mười theo niên lịch Islam. Nó diễn ra sau khi kết thúc tháng Ramadan, chính vì điều này nên nó được gọi là Eid Al-Fitri tức ngày lễ xả chay, có nghĩa là trong ngày này, các tín đồ Muslim sẽ thờ phượng Allah bằng cách ăn uống thỏa thích giống như thờ phượng Ngài qua việc nhịn chay suốt tháng Ramadan vừa qua. Vào ngày ngày, những người Muslim tổ chức ăn mừng và vui chơi nhằm để tạ ơn Allah về việc Ngài đã hoàn tất ân huệ của Ngài dành cho họ, đó là Ngài đã phù hộ cho họ hoàn thành bổn phận nhịn chay tháng Ramadan ân phúc. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và Ngài muốn các ngươi hoàn tất số ngày (nhịn chay) được ấn định và muốn các ngươi Takbir (tán dương sự vĩ đại của Ngài) về việc Ngài hướng dẫn các ngươi và để cho các ngươi có dịp tạ ơn Ngài.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 185).

Trong ngày Eid, giáo lý qui định phải làm gì?

  1. Dâng lễ nguyện Salah Eid: là lễ nguyện Salah gần như bổn phận trong Islam, tất cả người Muslim nam, nữ cũng như trẻ con được khuyến khích phải đi ra khỏi nhà cùng nhau để thực hiện lễ nguyện này một cách tập thể vào lúc mặt trời vừa lên cao khỏi một sào cho đến khi mặt trời nghiêng bóng.

Nghi thức của lễ nguyện Salah Eid: gồm hai Rak’at, Imam sẽ đọc lớn bài kinh, sau lễ nguyện, Imam sẽ đọc bài thuyết giảng. Trong lễ nguyện Salah Eid, giáo luật qui định đọc thêm lời Takbir khi bắt đầu cho mỗi Rak’at, trong Rak’at đầu, người dâng lễ sẽ đọc Takbir sáu lần ngoài Takbir Ihram và trong Rak’at thứ hai thì đọc Takbir năm lần ngoài Takbir khi đứng trở dậy từ Sujud.

  1. Zakah Fitri: Quả thật, Allah bắt buộc tất cả mọi người, những ai có dư lương thực sau khi đã chừa đủ cho ngày và đêm Eid thì phải bố thí một Sa’ lương thực theo từng nơi như gạo, lúa mì, chà là khô cho những người Muslim nghèo khó mục đích để trong ngày Eid không còn có ai phải chịu cảnh đói. Cũng có thể xuất Zakah Fitri bằng giá trị của lương thực tức xuất tiền nếu như đều đó mang lại hữu ích cho người nghèo.

Thời điểm xuất Zakah Fitri là từ sau giờ Maghrib ngày cuối cùng của Ramadan cho đến lễ nguyện Salah Eid, cũng có thể xuất trước đó một đêm hay hai đêm.

Và lương thực được tính theo lương thực của từng nơi, có thể là gạo hay lúa mì, hay chà là khô tùy theo từng vùng, và mức lượng của một Sa’ nếu tính theo đơn vị cân nặng ngày nay thì khoảng chừng 3 kg.

Và một người có thể xuất cho bản thân và cho những ai mà y phải có bổn phận chu cấp như vợ và con cái, khuyến khích xuất Zakah Fitri này cho cả thai nhi đang trong bụng của người mẹ, mỗi một xuất là một Sa’ lương thực tương đương khoảng 3 kg.

Những người Muslim đang dâng lễ nguyện Salah Eid tại một nơi ở ngoài trời. .

Quả thật, Thiên Sứ của Allah r đã qui định bổn phận Zakah Fitri này và Người nói: “Nó là việc làm tẩy sạch người nhịn chay khỏi những lời nói sàm bậy và hành vi không lành mạnh đồng thời giúp những người nghèo có lộc ăn. Bởi thế, ai muốn thực hiện nó trước lễ nguyện Salah Eid thì đó là Zakah được chấp nhận còn ai thực hiện nó sau lễ nguyện Salah Eid thì đó là hình thức Sadaqah” (Abu Dawood: 1609).

  1. Giáo lý Islam khuyến khích tạo nguồn vui cho gia đình từ trẻ con, người già, đàn ông, phụ nữ bằng bất cứ mọi hình thức và phương tiện lành mạnh hợp với giáo luật, khuyến khích mọi người ăn mặc quần áo đẹp nhất, giáo lý qui định việc ăn uống vui chơi trong ngày hôm đó là thờ phượng Allah, và nghiêm cấm nhịn chay trong ngày lễ này.
  2. Giáo lý khuyến khích người tín đồ Takbir thường xuyên trong đêm Eid cũng như lúc đi ra khỏi nhà để đến dự lễ nguyện Salah Eid và thời gian Takbir được kết thúc bởi lễ nguyện Salah Eid, việc làm này nhằm biểu hiện niềm vui vì đã hoàn thành bổn phận nhịn chay tháng Ramadan ân phúc và để tạ ơn ân huệ của Allah đã ban cho cũng như đã hướng dẫn chúng ta trong việc nhịn chay. Allah, Đấng Tối Cao phán: {Và Ngài muốn các ngươi hoàn tất số ngày (nhịn chay) được ấn định và muốn các ngươi Takbir (tán dương sự vĩ đại của Ngài) về việc Ngài hướng dẫn các ngươi và để cho các ngươi có dịp tạ ơn Ngài.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 185).

Lời Takbir: Ollo-hu-Akbar, Ollo-hu-Akbar, La-ila-ha-llollo-h, Ollo-hu-Akbar, Ollo-hu-Akbar, wa lilla-hil-hamdu.

(Allah vĩ đại nhất, Allah vĩ đại nhất, không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah, Allah vĩ đại nhất, Allah vĩ đại nhất, và mọi lời ca ngợi và tán dương kính dâng lên Ngài).

Và cũng có thể nói Takbir với những lời này: Ollo-hu-Akbar, Ollo-hu-Akbar, walhamdulilla-hi kathi-ra, wa subha-nollo-hi bukrotaw wa asi-la.

( Allah vĩ đại nhất, Allah vĩ đại nhất, muôn vàn lời ca ngợi và tán dương kính dâng lên Allah, xin tụng niệm Allah sáng và chiều). Giáo lý khuyến khích tín đồ nam giới Takbir lớn tiếng trên đường đi sao cho đừng làm phiền toái đến mọi người, còn phụ nữ được qui định là phải Takbir nhỏ tiếng.